Covid xuất hiện, khẩu trang dần trở thành một vật bất ly thân trong cuộc sống của chúng ta. Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường, khi đến nơi đông người, khu vực công cộng giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi rút gây bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.
Tuy nhiên, việc phải thường xuyên đeo khẩu trang có thể gây những nguy cơ nhất định lên làn da của chúng ta. Những nguy cơ đó là gì? Làm thế nào để phòng tránh? Family BieL sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời qua những thông tin bên dưới.
Các tổn thương da mà khẩu trang có thể gây ra?
– Tổn thương da do sang chấn cơ học:
Khi đeo khẩu trang liên tục, đặc biệt là khi khẩu trang quá kín, quá sát da mặt, mặt phía trong khẩu trang sẽ cọ sát lên bề mặt da. Trong đa số các trường hợp, tình trạng này không gây tổn thương da nghiêm trọng, tuy nhiên đối với những làn da đang có sẵn có những tổn thương như mụn, hay trên làn da mỏng, nhạy cảm thì việc này có thể gây ra sự kích ứng, khó chịu cho da.
– Rối loạn cơ chế dưỡng ẩm của da:
Mang khẩu trang kín trong một thời gian dài làm tăng độ ẩm cục bộ. Khẩu trang giữ lại toàn bộ hơi nước khi thở ra khiến da ẩm ướt, lớp sừng của da trở nên mềm, hàng rào da bị tổn thương làm giảm khả năng chống lại áp lực từ bên ngoài.
– Mụn trứng cá:
Mang khẩu trang khiến da không được thông thoáng, tăng tiết bả nhờn làm bít tắc lỗ chân lông, cộng thêm môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển gây mụn trên da.
– Viêm da tiếp xúc và mày đay:
Nếu bạn có làn da nhạy cảm, cơ địa dị ứng với các thành phần vải của khẩu trang, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc hoặc nổi mề đay vùng tiếp xúc với khẩu trang.
Làm thế nào để phòng tránh tổn thương da do khẩu trang gây ra?
a) Sử dụng khẩu trang phù hợp:
Lựa chọn sử dụng những chiếc khẩu trang an toàn và có lớp vải hay lớp bông mềm mịn, khẩu trang đeo ôm sát gương mặt, nhưng không quá bó chặt.
Nếu bạn sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần thì hãy nhớ thay khẩu trang thường xuyên.
Nếu sử dụng khẩu trang vải thì cần được giặt sạch trước dùng lần đầu, trước khi tái sử dụng thì cần phải giặt và thay khẩu trang hàng ngày. Giặt khẩu trang bằng xà phòng không có chất tẩy rửa và phơi ra nơi có nhiều ánh sáng mặt trời để có thể tiêu diệt được hết vi khuẩn còn sót lại.
b) Sữa rửa mặt và dưỡng ẩm:
– Ưu tiên sử dụng những sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn, có chất bào mòn giúp lấy đi những cặn bẩn trên da sau một ngày dài, giúp thông thoáng lỗ chân lông.
– Sản phẩm dưỡng ẩm chứa những thành phần có độ phục hồi da cao như: acid hyaluronic, tinh chất lô hội, ceramide 3…, vì đây là những thành phần cấp ẩm nhanh và giúp hồi phục da tốt.
c) Kem chống nắng:
Sử dụng kem chống nắng là bước không thể bỏ qua trong quy trình chăm sóc da, duy trì việc sử dụng kem chống nắng giúp chống lại tác dụng của tia UV, da không bị bắt nắng và hạn chế tình trạng da không đều màu do khẩu trang.
d) Tẩy tế bào chết:
Tẩy tế bào chết với tần suất hợp lí 1-2 lần/ tuần giúp loại bỏ lớp sừng già hóa, làm thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế tình trạng mụn do mang khẩu trang.
e) Trang điểm:
Bạn nên hạn chế hoặc không trang điểm khi cần phải mang khẩu trang thường xuyên. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cùng với độ ẩm cao trên da, đeo khẩu trang sẽ dễ làm cho lớp trang điểm dễ bị xô lệch, tệ hơn là dễ gây bít tắc lỗ chân lông, từ đó dễ gây ra mụn. Nếu bắt buộc phải trang điểm, đừng quên tẩy trang trong thời gian sớm nhất có thể.
f) Tạm ngưng đeo khẩu trang khi an toàn:
Nên bỏ khẩu trang một lúc sau mỗi bốn giờ đeo liên tục. Tuy nhiên, chỉ tháo khẩu trang ở điều kiện an toàn (ở nhà hoặc khi chỉ ở một mình) và sau khi rửa tay. Trong thời gian không đeo khẩu trang, tận dụng cơ hội này để rửa sạch da bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng và thoa lại kem dưỡng ẩm.
g) Làm gì khi có dấu hiệu mụn, kích ứng?
– Khi có dấu hiệu mụn, hãy tuân theo thói quen chăm sóc da đơn giản, bao gồm: làm sạch – dưỡng ẩm – các sản phẩm điều trị – kem chống nắng; với các sản phẩm dịu nhẹ, dành cho da nhạy cảm. Không nên thử nghiệm các sản phẩm lột tẩy trong giai đoạn này vì da đã bị viêm và hàng rào bảo vệ da đã bị phá vỡ.
– Khi xuất hiện các dấu hiệu sớm của đỏ, khô, châm chích, ngứa da mặt thì cần ngưng lại các sản phẩm dễ gây kích ứng – dị ứng da (AHAs, BHA, retinoids…) và các bước làm sạch vật lý như các loại tẩy tế bào chết có hạt, massage da mặt, máy rửa mặt, các loại mút xốp hoặc vải sợi thô…
Hầu hết những kem dưỡng ẩm các tác dụng làm dịu da cũng có thể kiểm soát được tình trạng kích ứng da đơn thuần.
Ngoài ra, khi những phương pháp chăm sóc da tại nhà không kiểm soát được vấn đề da của bạn, đừng quên sự trợ giúp, tư vấn của các Bác sỹ chuyên khoa da liễu bạn nhé.
Chúc các bạn luôn có làn da tươi tắn ngay cả khi mang khẩu trang!